Đăng nhập

Cổng TTĐT Xã Phạm Kha - Huyện Thanh Miện

23/4/2023  |  English  |  中文

Lịch sử văn hóa Đình Đỗ Lâm Thượng

​​​
1. Đình Đỗ Lâm Thượng:

Đình Đỗ Lâm Thượng xã Phạm Kha thờ thành hoàng làng Lý Trí Thắng, người đã có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 xứ quân, thống nhất đất nước ở thế kỷ thứ X. Khi mất ông được phong “Đương cảnh Thành Hoàng", cho phép xã Đỗ Tùng (nay là Đỗ Lâm Thượng và Đỗ Lâm Hạ) phụng thờ. Đến các triều đại sau đều được ban sắc phong, hiện tại còn lưu giữ được 4 đạo sắc:

- Tự Đức lục niên thập nhất nguyệt thập nhất, tức ngày 10 tháng 11 năm Tự Đức thứ 6(1853).

- Tự Đức tam thập niên thập nhất nguyệt nhị thập tứ nhật, tức ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33 (1880).

- Duy Tân tam niên bát nguyệt thập nhất nhật, tức ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (1909).

- Khải định cửu niên thất nguyệt thập nhị thập ngũ nhật, tức ngày 25 tháng bảy năm Khải Định thứ 9 (1924).



         Đình Đỗ Lâm Thượng được khởi dựng từ sớm, trải qua mưa nắng đến nay Đình đã được trùng tu, nâng cấp các hạng mục công trình đã xuống cấp nghiêm trọng. Ngôi Đình hiện nay có niên đại vào Triều Nguyễn. Thời Thành Thái và Khải Định, đình tọa lạc trên khu đất cao, có khung cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Kiến trúc ngôi Đình được xây dựng theo kiểu “Tiền nhất hậu đinh" gồm 3 tòa nhà chính: Tiền tế, Trung từ và Hậu cung; mặt tiền hướng tây nam, phía trước có hồ nước rộng.

          Tòa tiền tế được xây dựng vào mùa xuân năm Canh Thân, niên hiệu Khải Định thứ 5 (1920). Ngôi đình gồm 5 gian, 2 dĩ còn khá chắc chắn được tạo dựng bởi các chi tiết như: Bẩy, cột quân, cột cái, các con thuận, câu đầu trụ, các con vành, hệ thống xà thượng. xà quân, chồng nóc, hoành, dui,…các vật dụng đều được làm bằng gỗ lim; Các chi tiết đều trạm rồng, hoa lá và long quân. Các bức trạm trên đầu bẩy, đầu dư, mảng cốn đều là những nghệ thuạt có giá trị. Phần nề ngõa khá tinh tế và hoàn chỉnh từ mái, bờ nóc, bờ chảy, các đầu đao có những phù điêu hình rồng phượng, nghê rất sinh động.

          Tòa trung từ và Hậu cung được khởi dựng từ năm Ất Mùi, niên hiệu Thành Thái thứ 7(1895). Trung từ gồm 5 gian, 2 dĩ, hậu cung 3 gian kiến trúc được thiết theo kiểu chữ Đinh(T). Toàn bộ phần mộc của tòa này được sơn son thiếp vàng và hình rồng mây trên hệ thống cột cái, các bức trạm khắc có nét sơn son rất kỳ công. Trong tòa trung từ nổi bật là 4 bức cốn tại gain trung tâm; bên ngoài có các tích tứ: (Long, Ly, Quy, Phượng) còn chạm kahcws một số con vật thường gặp ở đồng quê như: Ếch ngồi lá chang, Ếch ăn cua,…Phần nề ngõa của Trung từ có bờ mái và các góc đao, các bức phù điêu hình rồng, phượng tinh tế, mang đậm nét tín ngưỡng dân gian. Đình còn được bảo tồn được các hệ thống cổ vật phong phú, nhất là đồ gỗ như: Long đình, bát cửu, nhang án, đảo đao, cau đối, đại tự, cửa võng, sập thờ, kiệu bát cống, khám thờ với 49 hiện vật…các hiện vật đều được sơn son thiếp vàng, chạm khắc từ thời Nguyễn. Ngoài đồ gỗ, đình còn lưu gữi được khá nhiều cổ vật bằng Đồng, sứ, đồ giấy và đồ vải có giá trị nghệ thuật cao.

          Trong kháng chiến chống thực dân Pháp - Nhật, đình Đỗ Lâm Thượng là nơi Việt Minh tập chung nhân dân mít tinh đi phá kho thóc của Nhật, đây cũng là nơi diễn ra các cuộc họp quan trọng của tỉnh Hải Dương. Nơi đóng quân của Đại đội Lý Thường Kiệt, bộ đội tỉnh năm 1951 và sau đó là trường cấp 2 của tỉnh. Trong kháng chiến chống mỹ(1972), đình còn là nơi đóng quân của đơn vị bộ đội Hoàng Ngân trước khi lên đường vaopf chiến trường miền nam chiến đấu; Năm 1973 là trường an dưỡng của tỉnh, sau đó là kho thóc của Nhà nước.

          Với giá trị lịch sử văn hóa độc đáo, đình Đỗ Lâm Thượng được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử- văn hóa cấp Quốc gia vào ngày 12/02/1999./.​

​​